Những ghi chép về "lối Huế"- "Không ai ăn hai lần trên một tô bún bò Huế"
Huế – “xứ sở phong rêu kiêu sa”
Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam tái bản lần thứ nhất có bổ sung và chỉnh sửa cuốn sách Trước nhà có cây hoàng mai của nhà báo Minh Tự. Tác phẩm dày 224 trang, tập hợpnhững ghi chép của tác giả về Huế – “xứ sở phong rêu kiêu sa”.
Ấn bản tiếng Anh mang tên Ochna in the front yard: Fascinating stories about Huế – an ancient, poetic and glamorous land, do Khưu Ngô chuyển ngữ.
Trong cuốn sách, hơn 30 bài viết được thực hiện vào những năm 2000-2002, khi nhà báo Minh Tự từ Đà Lạt trở về quê hương sau gần 10 năm tha phương.
Một số bài viết trong cuốn sách như:Xứ Huế “phố ẩm phường thực”,Ăn theo “lối Huế”, “Không ai ăn hai lần trên một tô bún bò Huế!”,Người Huế ăn mè xửng,Hoàn hảo như sen, Huế không còn đi ngủ sớm,Một cảnh tượng kỳ lạ trên sông Hương,Đêm cuối năm dưới chân cầu Trường Tiền…
Tập ghi chép đã khắc họa đậm nét văn hóa, lối sống của người Huế dưới các góc nhìn khác nhau, từ chuyện ăn theo lối Huế, chuyện cơm hến, mè xửng, tô bún bò đến đường kim mũi chỉ, vành nón bài thơ, gốc mai lão trượng hay phiên chợ khuya… mà với tác giả, đó là “lối Huế”.
“Những tháng năm tôi được làm một người Huế sống ngoài Huế, và nhờ vậy mới hiểu rõ hơn, một cách khách quan hơn, về bản sắc riêng biệt của xứ sở này…”, nhà báo Minh Tự cho hay.trích dẫn từ Khe web trực tiếp
Theo anh, cuốn sách giúp khám phánghệ thuật sống của người Huế, dù không thể nói hết muôn màu muôn vẻ của “lối Huế”. Đây là những trạng thái của Huế mà tác giả “đọc” được và thuật lại bằng cách của một người viết báo.
Nhà văn Vĩnh Quyền nhận xétTrước nhà có cây hoàng mai của Minh Tự “mang dấu ấn một thời sống bên ngoài Huế và cách nhìn – nghĩ của nghề báo”.
Điều này đã làm nên sự khác biệt với những tác giả viết về Huế – khúc ruột của mình – bằng tinh thần đáng yêu kiểu “không nơi nào có được” hoặc “chẳng thể nào đổi khác”.
“Không ai ăn hai lần trên một tô bún bò Huế”
“Men theo bờ Bắc sông Hương ngược lên phía nguồn là sẽ gặp một phố Bún – Bánh ướt thịt nướng. Cứ khoảng buổi trưa là các quán bắt đầu quạt than nướng thịt, vậy mà 5 giờ chiều ai đến trễ sẽ khó tìm được chỗ ngồi. Vì ở Huế không đâu ngon bằng bún – bánh ướt thịt nướng Kim Long.
Bởi thế chỉ một quãng ngắn chừng 50 mét đường Kim Long đã có đến hơn năm quán, chúm chụm lại nhau, tạo nên một góc phố bún thịt nướng thật đông vui.
Buổi chiều khói nướng thịt bốc lên ngào ngạt, du khách đi tham quan về bất kể đường đông hay đường bộ đều không thể nhắm mắt lướt qua. Cái món bún này không chỉ ngon ở cái mùi thơm quyến rũ mà bí quyết còn ở chỗ nước lèo hòa hợp tinh tế của đậu phộng, mè, tương, tỏi, ớt, nước mắm…
Ông chủ quán Huyền Anh, thầy giáo về hưu (nay đã mất), cho hay, phố bún thịt nướng này đã được đưa vào cẩm nang hướng dẫn của Pháp từ năm 1995. Huyền Anh là quán mở đầu cho khu phố bún – bánh ướt thịt nướng đang ăn nên làm ra này.
Nhiều du khách đến Huế cứ thắc mắc: Sao các công ty du lịch không mở một “Xứ Huế ẩm thực tour” với các “phố ăn hàng” dễ thương ấy nhỉ?”.
(Trích Xứ Huế “phố ẩm phường thực”)
“Kiểu cách cầu kì là đặc điểm nổi bật nhất của ẩm thực xứ Huế. Hay nói cách khác, người Huế ăn không chỉ cầu no (khẩu thực) mà phải đẹp (nhãn thực); không chỉ đẹp mắt mà cònđẹp cả tâm hồn (tâm thực).
Không chỉ mỗi ẩm thực cung đình với nem công chả phụng mới cầu kì, mà ẩm thực bình dân, thậm chí thứ dân, cũng không kém phần kiểu cách.
Món cơm hến là biểu hiện rõ nhất của tính kiểu cách đó. Cơm hến vốn là món ăn của người nghèo đã trở thành một món độc đáo, bởi nó là tác phẩm của bà nội trợ Huế “nấu ăn bằng cả tâm hồn””.
(Trích Ăn theo “lối Huế”)
“Tô bún Huế thuở trước bao giờ cũng phải có vài cọng rau răm, cùng với hành lá, hành tây và rau sống, kèm theo bắp chuối xát mỏng. Nhưng tô bún bò Huế bây giờ không còn rau răm nữa mà thay bằng rau thơm, lại có thêm chả heo, chả cua và có khi cả chả bò.
Một mệ Huế xưa từ Mỹ về thăm quê, ra đường Trương Định (Huế) gọi tô bún rồi trề môi lắc đầu: “Không phải như ri, bún bò ni không phải của Huế”.
“Không ai ăn hai lần trên một tô bún bò Huế”, nhà văn Trần Kiêm Đoàn, một người Huế đang định cư ở Mỹ, đã viết như thế.
Tôi xin mạo muội “chua” thêm: vì có muốn cũng không được, bởi nếu cứ đòi như nguyên gốc, tô bún bò Huế ấy chỉ là “bún – giò – heo” mà thôi!”.
(Trích Không ai ăn hai lần trên một tô bún bò Huế)
Nhà báo Minh Tự tên thật Lê Văn Minh Tự, 56 tuổi, hiện sống và làm việc ở Thừa Thiên-Huế.